Da giày Việt Nam được dự báo là điểm đến của các đơn hàng mới phát sinh từ xu hướng chuyển dịch sản xuất của những nhãn hàng lớn. Tuy nhiên, DN trong nước có đón được luồng đơn hàng này không khi nội lực còn rất yếu?
80% tỷ trọng xuất khẩu thuộc về khối FDI
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, quý I/2021, kim ngạch XK giày dép các loại tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,74 tỷ USD. Con số này được nhận định là khả quan. Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho rằng: Con số tăng trưởng XK này chưa phản ánh đúng hiện trạng "sức khỏe" của DN Việt Nam, khi 80% tỷ trọng XK thuộc về khối DN FDI. Chỉ một số ít DN trong nước có thực lực, gia công giày thể thao cho các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas với lượng đơn hàng ổn định, còn những DN có quy mô nhỏ, không có công nghệ sản xuất tốt, DN sản xuất sản phẩm thời trang đang rất khó khăn, đơn hàng nhỏ giọt, thậm chí không có.
DN da giày trong nước cần vốn đầu tư cho thiết bị, nhà xưởng để đón đơn hàng mới
Ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội - cho hay: Hầu hết DN sản xuất mặt hàng giày dép thời trang đang rất khó khăn về đơn hàng. Tháng 3, đơn hàng của công ty đã rất ít, DN đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới. Thêm vào đó, từ đầu năm tới nay, giá nguyên liệu tăng chóng mặt, tới 15%; giá vận tải tăng do ách tắc trong khâu vận chuyển trong khi giá đầu ra không thay đổi, DN buộc phải giảm tối đa lợi nhuận.
Về triển vọng XK của ngành da giày quý II/2021, bà Phan Thị Thanh Xuân tiên lượng: Đơn hàng XK từ các nhãn hàng lớn ổn định cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này giúp triển vọng XK của ngành trong quý II/2021 khởi sắc hơn.
Cải thiện nội lực
Da giày Việt Nam đang tận dụng khá tốt các FTA đã có hiệu lực. Với Hiệp định EVFTA, đạt khoảng 40% kim ngạch XK sang thị trường EU. Hiệp định CPTPP, kim ngạch XK của da giày Việt Nam vào Canada và Mexico tăng nhanh, nhất là Canada do thị trường này cho giày dép Việt Nam hưởng ngay mức thuế 0%. Dù vậy, số DN tận dụng được ưu đãi vẫn chủ yếu nằm trong khối FDI. DN nội địa tận dụng được ưu đãi vẫn chưa nhiều, nguyên do, DN trong nước chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ về nguyên phụ liệu.
Mặt khác, xu hướng dịch chuyển sản xuất hiện đang diễn ra mạnh mẽ. Các nhãn hàng lớn trên thế giới đã nhận thức được nguy cơ từ việc "bỏ trứng vào một giỏ" nên phân tán sản xuất ra nhiều quốc gia để phòng tránh thiệt hại. Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến uy tín của các nhãn hàng bởi tình hình chính trị ổn định, tay nghề lao động cao, khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt. Tuy nhiên, nếu DN Việt Nam không cải thiện được nội lực, cụ thể là vốn để đầu tư cho công nghệ sản xuất, nhà xưởng đạt yêu cầu, DN sẽ không nhận được đơn hàng. "Cơ hội từ các FTA là có nhưng cực kỳ khắc nghiệt, nếu DN không đáp ứng yêu cầu về môi trường, phát triển bền vững, nguyên liệu đầu vào, rất dễ bị loại bỏ, chưa kể tới các điều kiện về trình độ công nghệ, nhân lực" - bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Bộ Công Thương ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK và thị trường XK sớm khôi phục sau đại địch nhằm hỗ trợ các ngành hàng, trong đó có ngành da giày, đẩy mạnh XK trở lại.
Nguồn: Báo Công thương điện tử