Trung Quốc đã gần như “giải cứu” thị trường hàng hóa toàn cầu sau khi sớm khống chế được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên đến tháng 12/2020, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu của nước này đang chững lại, mặc dù vẫn ở mức cao. 

Dữ liệu thương mại tháng 11/2020 được công bố vào đầu tháng 12/2020 đã vẽ nên một bức tranh ổn định, với việc nhập khẩu các mặt hàng chính chỉ có những thay đổi tương đối nhỏ so với cả tháng trước và so với năm trước.
Điều này không có nghĩa là nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đang “hạ nhiệt”. Thay vào đó, có vẻ như nhu cầu đang điều hòa và nhập khẩu có thể có xu hướng duy trì ở mức hiện tại, thay vì tăng mạnh so với đầu năm 2020.
Dầu thô: 
Nhập khẩu dầu thô đạt 45,36 triệu tấn trong tháng 11/2020, tương đương 11,04 triệu thùng / ngày (bpd), tăng so với 10,02 triệu thùng / ngày trong tháng 10/2020, nhưng giảm từ 11,13 triệu thùng / ngày vào tháng 11/2019.
Lượng nhập vào tháng 11/2020 có khả năng được thúc đẩy nhờ việc giải phóng lô hàng tồn đọng cuối cùng được đặt hàng trong cuộc chiến giá cả tháng 4/2020 giữa các nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia và Nga, khiến giá dầu Brent giao sau giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã lợi dụng đợt giảm sâu của giá dầu thô để tích trữ, đến nỗi các tàu chở dầu đã phải chờ đến vài tháng để dỡ hàng tại các cảng bị tắc nghẽn.
Nhưng đến nay dường như dự trữ dầu thô đã đủ nên nhu cầu nhập khẩu sẽ ổn định trong khoảng từ 10,5 triệu thùng / ngày đến 11,5 triệu thùng / tháng. Đây là mức cao hơn so với mức phổ biến trước khi bùng phát dịch bệnh vào đầu năm, và chủ yếu phản ánh việc bổ sung công suất lọc dầu mới ở Trung Quốc trong năm nay.
Đồng
Đối với thị trường đồng, một kim loại quan trọng cho sản xuất công nghiệp năm nay cũng có liên quan chặt chẽ với nhu cầu của Trung Quốc và nhu cầu cũng đang có dấu hiệu bắt đầu giảm. Nhập khẩu đồng chưa gia công trong tháng 11/2020 là 561.311 tấn, giảm 9,2% so với 618.108 của tháng 10/2020, nhưng tăng 16,2% so với 483.000 vào tháng 11 năm ngoái.. Tháng 11/2020 đánh dấu mức thấp nhất trong sáu tháng và là tháng giảm thứ hai liên tiếp, nhưng có thể được lý giải bởi việc nhập khẩu đồng tăng mạnh vào đầu năm nay.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu đồng chưa gia công đạt 6,17 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần của sự sụt giảm nhập khẩu trong tháng 11/2020 có thể là do chênh lệch giá giữa giá trên sàn giao dịch London và Thượng Hải, có nghĩa là các nhà giao dịch sẽ thấy ít lợi nhuận hơn khi chuyển đồng vào Trung Quốc. Nhưng cũng có khả năng là Trung Quốc hiện có đủ đồng để đáp ứng nhu cầu trong nước, điều này đã được thúc đẩy bởi các nỗ lực kích thích của chính phủ nhằm thúc đẩy các hoạt động thâm dụng đồng như xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng.
Quặng sắt, than đá
Nhập khẩu quặng sắt trong 11/2020 đạt 98,15 triệu tấn giảm so với tháng 10/2020, nhưng tăng 8,3% so với cùng tháng năm ngoái.
Nguyên liệu sản xuất thép cũng nổi bật trong năm nay, với nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1,073 tỷ tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Quặng sắt là một mặt hàng khác phản ánh tác động của chính sách kích thích đầu tư, chi tiêu…của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Than là ngoại lệ đối với khả năng phục hồi của hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng chủ yếu do kết quả của các quyết định chính sách hơn là nhu cầu yếu hơn.
Nhập khẩu than trong tháng 11/2020 là 11,67 triệu tấn, giảm 15% so với tháng 10 và 20,8% so với tháng 11 năm 2019, trong khi nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2020 thấp hơn 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu là Indonesia và Australia, rất có thể là một phần trong nỗ lực bảo vệ ngành khai thác trong nước, nhưng trong trường hợp của Australia cũng là một phần trong tranh chấp đang diễn ra của Bắc Kinh với Canberra về nhiều vấn đề chính trị và thương mại.
Nhìn chung, có những dấu hiệu cho thấy nhập khẩu các mặt hàng chính của Trung Quốc đang giảm mạnh.
Điều kiện để nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc tăng thêm trong những tháng tới là Chính phủ nước này mở rộng thêm các gói kích thích tăng trưởng, hoặc nhu cầu tăng trưởng mạnh.

Để có báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ với ban biên tập website nganhhang.vn
Hotline: 098 781 81 58
Cố định: (024) 3934 1912
Email: info@nganhhang.vn