Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nhật Bản có cam kết mở cửa đối với thủy sản khá dè dặt.

Trong đó, cam kết về thuế quan đối với thuỷ sản Việt Nam được chia theo hai nhóm:

- Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% (317/484) dòng sản phẩm thủy sản.

- Cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 6 - 16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế thuỷ sản từ Việt Nam. Chi tiết như sau:

+ Lộ trình 6 năm: cắt giảm, xóa bỏ 44/484 dòng thuế;

+ Lộ trình 8 năm: cắt giảm, xóa bỏ 3/484 dòng thuế (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và một số loại cá ngừ khác);

+ Lộ trình 11 năm: cắt giảm, xóa bỏ 109/484 dòng thuế;

+ Lộ trình 16 năm: cắt giảm, xóa bỏ 11/484 dòng thuế (cá nishin, cá basa, cá cơm, cá thu, cá minh thái, cá nục…).

So sánh cam kết thuế quan của Nhật Bản trong CPTPP, AJCEP và VJEPA

Trước CPTPP, Việt Nam và Nhật Bản đã có 02 FTA chung hiện đang có hiệu lực là FTA ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA).

Trong đó VJEPA là FTA song phương, lại được đàm phán và có hiệu lực sau, nên có các cam kết về thuế quan cho Việt Nam cao hơn trong AJCEP. VJEPA có hiệu lực từ năm 2009, trong đó các sản phẩm thủy sản có cam kết cụ thể như sau:

Đối với các sản phẩm thuỷ sản sống thuộc chương 03: một số sản phẩm được xóa bỏ thuế ngay sau khi có hiệu lực, phần lớn được cắt giảm theo lộ trình 5 - 10 năm, và có một số sản phẩm không có cam kết xóa bỏ thuế.

Đối với các chế phẩm từ thủy sản mã HS 1604, 1605: một số sản phẩm được xóa bỏ thuế ngay sau khi có hiệu lực, một số sản phẩm có lộ trình xóa bỏ thuế 3 - 10 năm và có một vài sản phẩm không có cam kết xóa bỏ thuế.

Như vậy, đối với các sản phẩm có cam kết cắt giảm loại bỏ thuế quan, mức cam kết trong CPTPP có thể không lớn bằng VJEPA (do lộ trình dài hơn). Tuy nhiên, CPTPP lại có mức độ mở cửa mạnh hơn VJEPA đối với những dòng sản phẩm mà trong VJEPA, Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế.

Ngoài ra, qui tắc xuất xứ trong CPTPP khác với VJEPA, đặc biệt là ở nguyên tắc cộng gộp (trong CPTPP nguyên liệu có thể được cộng gộp từ cả 11 nước thành viên CPTPP trong khi VJEPA chỉ được cộng gộp nguyên liệu từ 2 nước là Việt Nam và Nhật Bản). Do đó, doanh nghiệp có thêm lựa chọn để áp dụng thuế quan ưu đãi.
(VietnamExport tổng hợp)
Nguồn: Văn kiện Hiệp định CPTPP (www.moit.gov.vn); vietnambiz.vn