Giá các loại hàng hoá cơ bản gia tăng mạnh trong giai đoạn gần đây làm dấy lên đồn đoán về một siêu chu kỳ tăng giá mới. Tuy nhiên, những dữ liệu lịch sử và nhận định của giới phân tích cho thấy siêu chu kỳ tăng giá khó xuất hiện ở thời điểm hiện tại.

Giá các loại hàng hoá cơ bản gia tăng mạnh trong giai đoạn gần đây làm dấy lên đồn đoán về một siêu chu kỳ tăng giá mới. Tuy nhiên, những dữ liệu lịch sử và nhận định của giới phân tích cho thấy siêu chu kỳ tăng giá khó xuất hiện ở thời điểm hiện tại.


Chỉ số giá hàng hoá cơ bản Bloomberg Commodity Index, đo lường sự biến động của 21 loại hàng hoá cơ bản quan trọng trên toàn cầu, đã tăng mạnh trong 6 tháng gần đây (Ảnh: Bloomberg)
Kể từ cuối tháng 10/2020, giá dầu thô Brent – một chỉ số chính trên thị trường năng lượng quốc tế đã bật tăng gần 80%. Giá kim loại đồng, kim loại được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2011. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy giá thực phẩm trên toàn cầu cũng đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Sự gia tăng mạnh của các loại hàng hoá cơ bản làm dấy lên đồn đoán hàng hoá cơ bản đang bắt đầu một “siêu chu kỳ tăng giá” mới. Theo đó, giá các loại nhiên liệu, năng lượng, kim loại, ngũ cốc, gia súc, gia cầm.. sẽ tăng lên những mức cao mới trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ.  

Siêu chu kỳ hàng hoá gần nhất diễn ra vào giữa những năm 2000 trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra và đạt đỉnh vào năm 2008 khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh và trở thành động lực dẫn dắt phục hồi kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng với nhu cầu sử dụng hàng hoá, nguyên liệu thô tăng vọt. Trung Quốc trở thành nơi tiêu thụ lớn nhất thế giới của nhiều loại hàng hoá cơ bản như dầu thô, đồng, than, đậu tương…

Bên cạnh đó, tăng trưởng dân số, quá trình đẩy nhanh công nghiệp hoá và đô thị hóa ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ cũng hỗ trợ đà tăng giá của hàng hoá trong giai đoạn này. Song, kể từ năm 2014, siêu chu kỳ hàng hoá này dần khép lại khi nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô của Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt.

Một siêu chu kỳ tăng giá mới sẽ mang lại lợi ích to lớn với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Chile… Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng xác suất xảy ra một siêu chu kỳ tăng giá mới trong thời điểm hiện tại là tương đối thấp.
 

Các siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá trong quá khứ khi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành công nghiệp hoá hoặc bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế (Ảnh: The Wall Street Journal)
Dữ liệu lịch sử cho thấy các siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá trước đây xuất hiện khi một nền kinh tế lớn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từ đó tạo ra nhu cầu lớn đột biến đối với các loại nguyên liệu thô mà nguồn cung ở thời điểm đó khó đáp ứng được.

Điều này đã xảy ra vào những năm 1900 khi Hoa Kỳ tiến hành công nghiệp hoá, giai đoạn những năm 1950 đến 1960 khi Châu Âu tái thiết và Nhật Bản bước vào giai đoạn tăng trưởng “thần kỳ” sau Thế chiến II và giai đoạn từ năm 2000 đến 2014 khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định thị trường chưa xuất hiện các yếu tố hội tụ tương tự như các siêu chu kỳ tăng giá trong quá khứ. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục mạnh trong năm nay và năm sau, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng chi phối nhu cầu sử dụng hàng hoá.

Theo đánh giá của ông Vivek Dhar, nhà kinh tế học khai khoáng và năng lượng tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia (CBA), siêu chu kỳ tăng giá xuất hiện hay không sẽ vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu sử dụng hàng hoá của Trung Quốc trong năm nay. Trong lĩnh vực khai khoáng, nhu cầu sử dụng của Trung Quốc chiếm đến 50% nhu cầu toàn cầu của nhiều mặt hàng kim loại.

Ông Vivek Dhar chỉ ra rằng giá của các loại hàng hoá bắt đầu tăng khi Trung Quốc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kích thích phát triển kinh tế, chống lại các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này đối với giá hàng hoá cơ bản trong năm 2021 vẫn chưa rõ ràng và Chính phủ Trung Quốc đã phát đi tín hiệu sẽ thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay.
 

Diễn biến giá dầu thô Brent từ tháng 1/1990 đến nay, hiện giá dầu thô Brent được giao dịch quanh mức 67,75 USD/thùng (Ảnh: investing.com)
Khi siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá gần nhất diễn ra, giá dầu thô và giá kim loại đồng đều ở mức thấp nhất nhiều thập kỷ, hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ. Nhưng hiện nay giá đồng và giá dầu thô đều đang ở mức cao.

Trong ngày 17/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra báo cáo với nhận định giá dầu thô khó có thể giữ được xu hướng tăng cao trong dài hạn và dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ chỉ phục hồi về ngang bằng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2023.

IEA cho biết lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu đang “quá nhiều” để có thể kích hoạt một siêu chu kỳ tăng giá mới đối với giá dầu thô. Theo IEA, đà phục hồi mạnh mẽ của giá dầu thô trong giai đoạn vừa qua được hỗ trợ bởi liên minh OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô.

Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh, chiếm đến hơn 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu. Nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể gia tăng mạnh khi liên minh OPEC+ ngưng cắt giảm sản lượng khai thác và giá dầu thô sẽ giảm xuống.

Các chuyên gia kinh tế khác nhận định tâm lý “mua hết và mọi thứ sẽ phục hồi” của giới đầu tư cũng đứng sau việc giá hàng hoá bật tăng mạnh giai đoạn vừa qua. Sự bùng nổ của các thị trường tài chính trên toàn cầu từ chứng khoán cho đến các tài sản kỹ thuật số cho thấy giới đầu tư đang nắm lượng tiền mặt rất lớn và đổ vào mọi kênh đầu tư có khả năng sinh lời khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng thấy.
 

 Diễn biến giá kim loại đồng từ tháng 1/1990 đến nay, giá kim loại đồng hiện đạt 4,11 USD/pound (Ảnh: investing.com)
Ngoài ra, nhiều hãng giao dịch kim loại cho biết trữ lượng kim loại đồng và các kim loại công nghiệp khác hiện ở mức rất lớn. Hãng khai khoáng Teck Resources (Canada), Ivanhoe Mines (Nam Phi) và nhiều doanh nghiệp khai khoáng khác đang khởi động sản xuất tại một số mỏ trong những năm tới đây.

Hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới Vitol (Hà Lan) cũng nhận định thị trường không thiếu hụt nguồn cung và hiện còn rất nhiều dầu dự trữ cũng như công suất lọc dầu dư thừa ở mức cao.

Nguồn http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vi-sao-sieu-chu-ky-tang-gia-hang-hoa-kho-xuat-hien-vao-luc-nay-79631.htm