Trong khi nhu cầu thực tế ngày thường của người dân chỉ khoảng 9.000-10.000 tấn thực phẩm/ngày, mức dự trữ hiện tại là hơn 120.000 tấn.

Đến nay, tình hình hệ thống phân phối đang tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Thành phố gồm có: 06/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống, 3/3 Chợ đầu mối (chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức).

Tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì vào sáng ngày 12/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo là cung ứng đủ hàng hoá cho nhu cầu của người dân và việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá từ các tỉnh, địa phương về Thành phố cơ bản thông thoáng.

Hiện hàng hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được cung ứng bình ổn và một số đơn vị dự trữ gấp 3 lần bình thường. Trong khi nhu cầu thực tế ngày thường của người dân chỉ khoảng 9.000-10.000 tấn thực phẩm/ngày, mức dự trữ hiện tại là hơn 120.000 tấn. Ngày 12/7/2021, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm tươi sống, giá cả ổn định.

Để nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng thực phẩm quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh qua các chợ truyền thống, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực mở cửa lại các chợ truyền thống đang bị đóng cửa phòng dịch. Ngày 11/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua phương án mở cửa chợ Thủ Đức làm Khu trung chuyển hàng hoá, không bao gồm hoạt động mua bán để sang xe, vận chuyển thực phẩm thu mua từ các địa phương  (đặc biệt là rau củ quả) đến các chợ bán lẻ trên địa bàn.

Về phương án trung chuyển hàng hoá tại chợ Thủ Đức: Chợ đầu mối Thủ Đức đã tổ chức phân lô, bố trí lực lượng bảo vệ chốt chặn để hướng dẫn xe vào trung chuyển hàng hoá. Tối ngày, 11/7 có 6 thương nhân đủ điều kiện để được giao nhận hàng hoá. Lượng hàng (rau củ quả) ước khoảng 124 tấn, trái cây 128,5 tấn. Tổng phương tiện đăng ký giao nhận là 40 xe. Đã bắt đầu giao nhận xe đầu tiên lúc 19h30 tối ngày 11/7/2021.

Sáng 12/7, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục họp thông qua phương án tái mở cửa chợ Hóc Môn theo giải pháp bảo đảm chống dịch. Theo kế hoạch tối 12/7 sẽ bắt đầu vận hành trung chuyển rau củ quả tại chợ Hóc Môn và từ ngày 13/7, tình hình cung ứng thực phẩm tươi sống của TP Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện rõ rệt.

Sở Công Thương đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông công khai 2.833 điểm bán theo từng địa bàn thành phố, quận huyện để người dân được biết và đến mua sắm. Ngoài các điểm bán hàng nêu trên, các điểm bán hàng khác vẫn hoạt động bình thường trên địa bàn thành phố. Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các hệ thống phân phối có các chính sách tăng cường, khuyến khích người dân chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại…

Tình hình thị trường Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/7

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tại hệ thống chợ, so với ngày 11/7/2021: Sức mua ngày 12/7/2021 tương đối ổn định, người dân chuyển qua các kênh mua sắm trực tuyến, lượng khách đến chợ không nhiều. Và so với ngày thường (trước thời điểm dịch bệnh): Giảm khoảng 50% - 80%, trong đó, ngành hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm giảm 40 - 50%, ngành hàng khác ngưng kinh doanh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Sở Công Thương phối hợp với các hệ thống phân phối hiện đại tổ chức các điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố. Tính đến ngày 12/7/2021, các hệ thống phân phối (MM Mega, Bách Hóa Xanh, Masan…) và các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường (Công ty San Hà, Công ty Chân Thật…) đã tổ chức được 20 điểm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện.

Tại hệ thống siêu thị: Tình hình mãi lực ngày 11 tháng 7 năm 2021 (Chủ Nhật) tương đương so với ngày 10 tháng 7 năm 2021 (Thứ Bảy) và tăng 60% - 65% so với ngày thường.

Nhìn chung, sáng ngày 12/7/2021, số lượng khách mua giảm nhẹ ở hầu khắp các hệ thống, lượng khách chờ mua hàng không nhiều. Lượng hàng hoá tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố vẫn được duy trì ổn định, hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả được niêm yết công khai, ổn định, áp dụng thống nhất trong các hệ thống; hàng hoá thiết yếu như lương thực, thực phẩm tươi sống, rau củ quả vẫn là những mặt hàng được ưu tiên lựa chọn mua nhiều hơn so với các mặt hàng khác.

Các hệ thống phân phối tiếp tục khuyến khích người dân mua hàng online, lượng đơn hàng qua mạng và qua điện thoại tăng cao; nhiều cửa hàng bình ổn, siêu thị phải tăng cường thêm nhân viên soạn hàng (đi chợ giúp người dân), thời gian giao hàng đã khắc phục theo đúng cam kết của hệ thống trong vòng 24h.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương