Ngày 19/8/2021, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với các Cơ quan XTTM tại Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia đã tổ chức “Chương trình Kết nối giao thương Ấn Độ - Mekong Seri 1: Thương mại xuyên biên giới”.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kết nối Ấn Độ -  Tiểu vùng Sông Mêkông mở rộng (GMS), nhằm tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại giữa Ấn Độ với các nước GMS, do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

Tại sự kiện, đại diện các nước Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia đã giới thiệu về môi trường kinh doanh tại các quốc gia, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm để việc hợp tác thương mại, đầu tư giữa các quốc gia này được thành công.

Doanh nghiệp Việt có bản lĩnh vượt khó

Dẫn số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 DNNVV, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, đóng góp tới 45% trong GDP và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh An cho biết, mức độ quốc tế hóa của nền kinh tế Việt Nam đã tăng mạnh từ khi thực hiện cải cách kinh tế vào cuối thập niên 80. Đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và 1 FTA đã chính thức ký kết, sắp có hiệu lực, hiện đang đàm phán 2 FTA.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid 19 gây ra nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trong năm ngoái và tiếp tục tăng trong 7 tháng đầu năm nay.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% và kim ngạch nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.

Việt Nam hiện đang là một trong những nước trên thế giới tham gia xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng nhất như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng may mặc và điện tử… Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung ở những nhóm hàng cần thiết cho sản xuất, xuất khẩu.

Đối với riêng thị trường Ấn Độ, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong 7 tháng năm 2021 tiếp tục tăng tưởng mạnh mẽ, với những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong 7 tháng vừa qua đạt 7,46 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu  của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 31,78%  và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 4,06 tỷ USD, tăng 63,7% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, hàng hóa khác…  Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này thức ăn gia súc và nguyên liệu, dược phẩm, phân bón các loại, bông các loại, xơ, sợi dệt các loại, sắt thép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác…

Khao khát hợp tác

Một số ý kiến tại Chương trình cho rằng, trong khi đại dịch đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn cầu thì các chính phủ cũng phải có cách để hỗ trợ ngành công nghiệp của DNNVV tiến xa hơn nữa khỏi biên giới quốc gia để mở rộng thị trường. Đây là thời điểm mà DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ ngồi với nhau tìm phương thức kinh doanh mới trên thị trường nội địa và quốc tế để tăng cơ hội đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế và  đẩy mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngân hàng ADB đưa ra giải pháp để DNNVV nở rộ tại Việt Nam, Campuchia, Thái Lan trong khu vực Tiểu vùng Mê-kông để đẩy mạnh phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình, tuy nhiên cũng cần phải xem xét kỹ bối cảnh và kết nối những DNNVV của các quốc gia này trong 1 dự án chung.

Về phía Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh An cho biết, DNNVV là khu vực gặp nhiều thách thức về cạnh tranh và dễ bị tổn thương trong thương mại quốc tế. Nhận thấy rõ vai trò, tiềm năng phát triển cũng như khó khăn, thách thức của DNNVV, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này. Dù đã đạt được thành công nhất định nhưng những chính sách này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các thể chế quốc tế, nhất là các định chế lớn như ADB.

Bà AlkaNangia Arora, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ DNNVV của Ấn Độ cho biết, ADB tham gia vào quá trình phát triển của nhiều quốc gia khác nhau. Trong khi dịch Covid 19 bùng phát, doanh nghiệp các nước cần tìm cách tận dụng công nghệ để kết nối với nhau bởi họ đều thuộc chuỗi cung ứng quốc tế.

Bộ DNNVV của Ấn Độ và các tổ chức khác cố gắng trở thành đối tác quan trọng dựa vào hoạt động đã lập kế hoạch từ trước để hỗ trợ DNNVV ở các quốc gia. Bộ này có một Trung tâm xúc tiến xuất khẩu dành cho DNNVV với những hướng dẫn cụ thể, giúp doanh nghiệp biết xu hướng thị trường hiện nay như thế nào và cụ thể họ phải làm gì.

Bộ DNNVV Ấn Độ cũng xây dựng Trung tâm chia sẻ thông tin thương mại toàn cầu, cố gắng mang nhiều nhất thông tin mới nhất dành cho doanh nghiệp.

Tại sự kiện, đại diện PhòngThương mại và Cố vấn Campuchia (BộThương mại Campuchia) cùng đại diện phía Cục Đầu tư Thái Lan cũng giới thiệu về môi trường kinh doanh của những nước này và bày tỏ mong muốn các nước cởi mở hợp tác thành công Dự án Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kết nối Ấn Độ -  Khu vực Tiểu vùng Sông Mê-kông (GMS).
Nguồn:Cục Xúc tiến thương mại