Giao nhận
Theo khảo sát sơ bộ, mặc dù có nhiều khó khăn chung nhưng hoạt động giao nhận tại Việt Nam nhìn chung đã tận dụng được các cơ hội từ thương mại điện tử trong 9 tháng đầu năm 2020, khi người dân chuyển dần từ thói quen mua sắm truyền thống sang mua hàng trên các nền tảng trực tuyến. 
Số lượng các dịch vụ giao nhận ngày càng đa dạng, từ chỗ chỉ có 2 ứng dụng là Uber và Grab, hay ứng dụng giao đồ ăn của Now ứng dụng vận chuyển hàng hóa thì có Vietnam Post, Viettel Post, Grab Express thì từ 3 năm trở lại đây, thì dịch vụ vận chuyển và giao nhận phát triển khá nhanh, các ứng dụng giao nhận, vận chuyển như goviet, be, fastgo, giaohangnhanh, giaohangtietkiem… đã trở nên rất phổ biến. Ứng dụng giao đồ ăn cũng phát triển sôi động như Grabfood, Loship, Gofood, Baemin…
Đặc biệt, năm 2020 chứng kiến nhiều sáng kiến mới của các công ty giao nhận, đặc biệt là ở phân khúc giao hàng dặm cuối để khắc phục những khó khăn và tận dụng cơ hội từ thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. 
Ví dụ, trong thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội vào tháng 4/2020, Công ty cổ phần beGroup - đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be - cho biết đã tạm ngừng cung cấp dịch vụ vận chuyển (beBike, beCar, be đi tỉnh, thuê xe theo giờ) trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4/2020 tại tất cả tỉnh, thành phố trên toàn quốc. 
Ngược lại, công ty nhanh chóng chuyển sang các dịch vụ mới phù hợp với điều kiện “giãn cách xã hội”. Dịch vụ Giao hàng beDelivery và dịch vụ be Đi chợ vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, khách hàng có thể đặt giao hàng beDelivery và be Đi Chợ để được mua hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm, bảo đảm nhu cầu hằng ngày mà không cần phải ra ngoài. 


Dịch vụ “be Đi Chợ” của Công ty cổ phần beGroup
 
Dịch vụ “be Đi chợ” đã giảm phí mua hàng từ 50.000 đồng xuống 30.000 đồng/đơn hàng. Hơn nữa, dịch vụ này được mở rộng thêm hình thức thanh toán tiền mặt và hạn mức giá trị đơn hàng lên đến 1 triệu đồng, thay vì chỉ chấp nhận khách hàng sử dụng thẻ và hạn mức 500.000 đồng như trước và nhiều ưu đãi giảm giá khác.
Để bảo vệ cho các tài xế trong thời gian dịch bệnh, công ty GoViet cũng đã kịp thời bổ sung dịch vụ GoShield với gói bảo hiểm bảo vệ đối tác tài xế của GoViet trước dịch bệnh Covid-19 với mức hỗ trợ và bồi hoàn giá trị cao nhất trên thị trường. Hãng cũng cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn phòng chống dịch cho đối tác tài xế GoViet qua 10 điểm đặt máy bán hàng tự động tại thành phố Hồ Chí Minh.

Kho bãi, chuỗi lạnh
Việt Nam là một nước có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện đang đứng trong tốp đầu về lượng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, giá trị gia tăng chưa cao do hoạt động chế biến sâu và bảo quản còn nhiều hạn chế. Một trong những điểm yếu trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm của Việt Nam chính là hệ thống kho bãi, bảo quản lạnh. 
Ngoài ra, với một thị trường tiêu thụ rộng lớn 100 triệu dân, nhu cầu về chuỗi lạnh của Việt Nam cũng gia tăng trong những năm gần đây để phục vụ xu hướng chuyển từ mua hàng tại các chợ truyền thống sang mua thực phẩm trong siêu thị. Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty CEL Consulting trong năm 2020, chỉ 8,2% nhà sản xuất cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi lạnh, thấp hơn rất nhiều so với con số 66,7% của nhà xuất khẩu. 
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor trong năm 2019, thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh trong ngành bán lẻ Việt Nam, không tính mảng thủy sản, ước đạt 1,2 tỷ USD. Nếu tính cả dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh thì quy mô thị trường đạt gần 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hạn chế về chuỗi lạnh khiến tỷ lệ tổn thất trong các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm của việt Nam khá cao. Các nhà bán lẻ cũng bị thiệt hại và e ngại trong việc nhập một lượng lớn hàng, dù được hưởng chiết khấu cao theo số lượng hàng mua vào. Chi phí cao một phần được chuyển thành giá bán hàng hóa mà người tiêu dùng phải chịu. Do đó có thể thấy hệ thống kho bãi và chuỗi lạnh chậm phát triển đã cản trở sự phát triển chung của toàn bộ ngành nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng như ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. 


Một kho lạnh tại Việt Nam

 
Một trong những nguyên nhân cho hạn chế trên là năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi chi phí đầu tư cho chuỗi lạnh rất tốn kém. 
Ngoài vấn đề tài chính, để quản trị chuỗi lạnh cũng cần đến đội ngũ nhân sự có chuyên môn trong lĩnh vực này, thậm chí các bên tham gia phải có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ. 
Theo khuyến nghị từ các chuyên gia, quản trị chuỗi lạnh phải đảm bảo tính khép kín, với sự đầu tư từ hệ thống kho lạnh, xe lạnh và những hệ thống thiết bị kiểm tra nhiệt độ khác để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được điều này trong giai đoạn đầu nên có các dự án công-tư để tạo ra các cơ sở kho lạnh quy mô lớn, đặc biệt ở các khu vực sản xuất nông sản lớn. 

Chi tiết nhấn vào xem tại Báo cáo thị trường logistics Việt Nam số tháng 9/2020