Chỉ số giá xuất khẩu hạt điều tháng 12/2020 của Việt Nam giảm thêm 1,79% so với tháng 11/2020 và giảm 15,29% so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020 chỉ số giá xuất khẩu giảm 13,3% so với năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu hạt điều của nước ta có cơ hội gia tăng kim ngạch từ việc khai thác tốt quy định của Hiệp định EVFTA.

Chỉ số giá xuất khẩu theo nhóm hàng
So với tháng 11/2020, chỉ số giá xuất khẩu hạt điều Việt Nam tháng 12/2020 giảm thêm do 2 nhóm xuất khẩu chính HS 08.01.32 (hạt điều đã bóc vỏ) giảm thêm 1,35% và nhóm HS 20.08.19 (hạt điều chế biến) giảm thêm 4,04%. Một số chủng loại hạt điều đã bóc vỏ xuất khẩu chính có kim ngạch lớn như: điều nhân W320, điều nhân WW240, điều nhân WW320, điều nhân W240... 
So với tháng 12/2019, chỉ số giá cả 2 nhóm đều giảm, hạt điều đã bóc vỏ giảm 16,79% và hạt điều chế biến giảm 18,9%. Tính chung năm 2020 chỉ số giá giảm ở 2 nhóm chính hạt điều đã bóc vỏ và hạt điều chế biến lần lượt 13,13% và 15,73% so với năm 2019.
Kim ngạch nhóm hàng hạt điều xuất khẩu năm 2020 ước đạt 3.188 triệu USD, giảm 2,7% so với năm trước tương ứng 89 triệu USD. Trong đó, do lượng tăng làm kim ngạch tăng 12,2% tương ứng kim ngạch 347 triệu USD nhưng do giá giảm 13,3% tương ứng với kim ngạch 436 triệu USD. Như vậy kim ngạch hạt điều xuất khẩu năm 2020 giảm so với năm 2019 do yếu tố giá giảm trong khi lượng tăng.
Giá một số loại điều xuất khẩu chính trong tháng 12/2020 như sau: 
- Điều nhân WW320 giá trung bình đạt 5.679 USD/tấn-FOB giảm 187 USD/tấn so với tháng 11/2020 và giảm 1.009 USD/tấn so với tháng 12/2019. Điều nhân WW210 giá trung bình đạt 9.255 USD/tấn-FOB tăng 2.037 USD/tấn so với tháng 11/2020 và tăng 2.300 USD/tấn so với tháng 12/2019. 
- Điều nhân W320 giá trung bình đạt 6.474 USD/tấn-FOB tăng 435 USD/tấn so với tháng 11/2020 nhưng giảm 976 USD/tấn so với tháng 12/2019. Điều nhân W240 giá trung bình đạt 7.365 USD/tấn-FOB tăng 258 USD/tấn so với tháng 11/2020 nhưng giảm 545 USD/tấn so với tháng 12/2019.
Chỉ số giá xuất khẩu theo thị trường
So với tháng 11/2020, chỉ số giá xuất khẩu hạt điều sang Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất trong tháng 12/2020 giảm nhiều nhất với 9,6%, tiếp đến sang Ấn Độ giảm 8,92% và giảm ít nhất sang Đài Loan (Trung Quốc) với 1,44%. Ngược lại, chỉ số giá sang Trung Quốc tăng nhiều nhất với 7,75% và tăng ít nhất sang Hà Lan với 0,36%.
So với tháng 12/2019, chỉ số giá giảm nhiều nhất sang Nga với 22,45% và giảm ít nhất sang Thái Lan với 1,27%. Ngược lại, duy nhất sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ số giá tăng 8,07%.
Tính chung năm 2020, chỉ số giá hạt điều xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm so với năm 2019, trong đó giảm nhiều nhất sang Ấn Độ với 22,84% và giảm ít nhất sang Hồng Kông (Trung Quốc) với 2%.
Xuất khẩu điều vào EU có cơ hội gia tăng kim ngạch
Thiếu hụt nguồn cung hạt điều thô hiện đang là một cơ hội lớn cho các nhà đầu cơ. Năm 2021 có thể trở thành một năm cạnh tranh đối với cả điều thô cũng như điều nhân.
Với thị trường điều nhân, điểm dễ nhận thấy là hơi trầm lắng, một phần do lượng tồn kho lớn ở Hoa Kỳ và EU, ngoài ra còn bị sự tác động bởi làn sóng Covid -19 thứ 3 bùng phát mạnh những tháng gần đây. Sự thiếu hụt nguồn cung hạt điều thô là một cơ hội lớn cho các nhà đầu cơ. Thị trường đang có nhu cầu vốn lớn. Nhiều nhà đầu cơ mới sẽ cố gắng tận dụng cơ hội mới xuất hiện. 
Bên cạnh đó, giá điều nhân dự kiến có xu hướng tăng vì lượng cung điều nhân ở Việt Nam không còn nhiều trong khi giá mua điều thô vẫn đang cao không cân đối được với giá điều nhân. 
Ngoài ra, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, những sản phẩm chế biến sâu từ điều nhân đã được giảm thuế xuống còn 0%, trong khi trước khi EVFTA có hiệu lực điều chế biến của Việt Nam xuất sang thị trường EU vẫn phải chịu mức thuế từ 7% đến 12%. Nhờ đó dù chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh nhưng sản lượng và trị giá xuất khẩu điều sang thị trường này sụt giảm không đáng kể.
Một chi tiết đáng chú ý là trong điều khoản của EVFTA có nội dung về quy tắc xuất xứ thuần túy đối với điều nhân xuất khẩu của Việt Nam (mã HS 0801), nghĩa là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường Việt Nam. Tuy vậy, với những sản phẩm điều chế biến sâu EVFTA không yêu cầu xuất xứ thuần túy. Khi thuế suất nhập khẩu được xóa bỏ, các nhà nhập khẩu sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí, đồng thời giá bán tại thị trường nhập khẩu cũng sẽ được điều chỉnh. Điều này sẽ thúc đẩy chuyển dịch nhu cầu từ các mặt hàng điều thuộc các quốc gia không được ưu đãi về thuế sang điều Việt Nam.

Giá hạt điều xuất khẩu từng tháng năm 2019, 2020
ĐVT: USD/tấn
 

(Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan)