Năm 2020, chỉ số giá xuất khẩu giày dép hầu hết tăng qua các tháng nhưng giảm ở tháng 1, 3, 4 và 6. Chỉ số giá tháng 12/2020 ước đạt 106,3% so với kỳ gốc năm 2015, giảm 2,85% so với tháng 11/2020 sau 5 tháng tăng liên tiếp nhưng vẫn tăng 9,35% so với tháng 12/2019. Tính chung năm 2020, chỉ số giá xuất khẩu giày dép tăng 2,07% so với năm 2019.

Chỉ số giá xuất khẩu theo nhóm hàng

Tháng 12/2020, chỉ số giá xuất khẩu giày dép giảm so với tháng 11/2020 do 2/3 nhóm hàng chính có chỉ số giá đổi chiều giảm. Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng HS 64.03 (giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũi bằng da thuộc) đổi chiều giảm 3,31% và nhóm hàng HS 64.04 (giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng nguyên liệu dệt) đổi chiều giảm 2,74%. Ngược lại, nhóm hàng HS 62.02 (các loại giày, dép khác có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic) có chỉ số giá tăng thêm 2,5%.
So với tháng 12/2019, chỉ số giá tăng do cả 3 nhóm hàng đều tăng: nhóm HS 64.02 tăng nhiều nhất với 15,39%, HS 64.03 tăng 11,24% và HS 64.04 tăng 6,99%. Tính chung năm 2020, chỉ số giá tăng so với năm 2019 do tác động của 2 nhóm hàng HS 64.02 và HS 64.03 lần lượt tăng 4,84% và 4,67% nhưng chỉ số giá nhóm HS 64.04 giảm 0,23%.
Chỉ số giá xuất khẩu theo thị trường
Tháng 12/2020, chỉ số giá xuất khẩu giày dép sang nhiều thị trường đổi chiều giảm so với tháng 11/2020. Cụ thể, sang Anh giảm 0,18%, sang Pháp giảm 6,58%, sang Bỉ giảm 4,32%, sang Thụy Sỹ giảm 8,55%, sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,5%, sang Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 3,32%, sang Ma-lai-xi-a giảm 2,43% và sang Đan Mạch giảm 1,85%. Sang một số thị trường có chỉ số giá giảm thêm như: sang Tây Ban Nha giảm 1,39%, sang Đài Loan (Trung Quốc) giảm 7,39%, sang In-đô-nê-xi-a giảm 6,83%, sang Phi-líp-pin giảm 3,53%, sang Thái Lan giảm 0,27%, sang Ba Lan giảm 8,59% và sang Nam Phi giảm 6,64%. Ngược lại, sang một số thị trường có chỉ số giá tăng là: sang Hoa Kỳ đổi chiều tăng 2,13%, sang Đức tăng thêm 1,71%, sang Nhật Bản tăng 2,79%, sang Trung Quốc đổi chiều tăng 5,4%, sang Hàn Quốc đổi chiều tăng 2,99%, sang Ca-na-đa đổi chiều tăng 2,65%...
So với tháng 12/2019, xuất khẩu giày dép tháng 12/2020 sang phần lớn các thị trường có chỉ số giá tăng, dao động trong khoảng từ 1,69% đến 42,93%. Ngược lại, một số ít thị trường có chỉ số giá giảm như Pháp, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch và Ba Lan.
Tính chung năm 2020 so với năm 2019, chỉ số giá xuất khẩu giày dép sang Ma-lai-xi-a tăng nhiều nhất với 23,82%, các thị trường khác tăng dưới 17%. Trong đó, sang một số thị trường chính như: Hoa Kỳ tăng 14,65%, sang Trung Quốc tăng 2,47%, sang Nhật Bản tăng 8,16%, sang Hà Lan tăng 8,53%, sang Hàn Quốc tăng 8,11%. Tuy nhiên, sang thị trường Đức giảm 5,68%, sang Anh giảm 7,2%, sang Pháp giảm 11,6%.
Chỉ số giá giày dép xuất khẩu từng tháng so kỳ gốc năm 2015
Đvt: %
 
(Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan)
Tương tự ngành dệt may, trong năm 2020, xuất khẩu giày dép cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhất là khi tại các nước là thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam), tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu như năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018), thì năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ngành da giày nói chung ước đạt khoảng 20 tỷ USD, giảm khoảng 2 tỷ USD so với 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Năm 2021, để có thể nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong năm 2020, doanh nghiệp xuất khẩu giày dép rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành bằng những chính sách phù hợp như: miễn giảm bảo hiểm, kinh phí công đoàn, cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn giãn nợ ngân hàng cho các doanh nghiệp, chi phí điện nước cầu cảng miễn cho doanh nghiệp, vấn đề về chính sách thuế...