Trong CPTPP, Nhật Bản cam kết về thuế quan đối với gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam theo hai nhóm:

- Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với đa số dòng thuế gỗ và các sản phẩm gỗ (197/241 dòng thuế), bao gồm toàn bộ dòng thuế về nội thất bằng gỗ thuộc Chương 94, cùng một số dòng thuế Chương 44.

- Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 9 - 16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế. Chi tiết như sau:

+ Lộ trình 9 năm: cắt giảm và xóa bỏ 1/241 dòng thuế mã HS 441890.229 (sản phẩm công nghệ CLT (Cross Laminated Timber) có chiều dày không nhỏ hơn 36 mm, chiều rộng không nhỏ hơn 300 mm và chiều dài không nhỏ hơn 900 mm…);
+ Lộ trình 11 năm: xóa bỏ 33/241 dòng thuế như gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc…; gỗ từ cây lá kim đã bào và đánh giáp; ván dăm dạng tấm chưa gia công hoặc mới chỉ đánh bóng; gỗ dán từ tre.

+ Lộ trình 16 năm: cắt giảm và xóa bỏ 10/241 dòng thuế đối với một số sản phẩm gỗ dán (mã HS 441231.939, 441232.110, 441232.190, 441232.911, 441232.412, 441232.991, 441232.992, 441232.993, 441239.991, 441239.992).

Đối với các sản phẩm có xuất xứ nguyên gốc Việt Nam thuộc các mã HS nói trên, Nhật Bản có thể áp dụng biện pháp tự vệ. Nhật Bản có quyền tăng thuế quan với các sản phẩm này của Việt Nam lên mức thuế MFN thay vì thuế ưu đãi theo CPTPP nếu khối lượng nhập khẩu vượt ngưỡng quy định cho từng năm như sau:
Năm 1: 180.000 m3
Năm 2: 193.000 m3
Năm 3: 206.000 m3
Năm 4: 219.000 m3
Năm 5: 232.000 m3
Năm 6: 245.000 m3
Năm 7: 258.000 m3
Năm 8: 271.000 m3
Năm 9: 284.000 m3
Năm 10: 297.000 m3
Năm 11: 310.000 m3
Năm 12: 323.000 m3
Năm 13: 336.000 m3
Năm 14: 349.000 m3
Năm 15: 362.000 m3

+ Từ năm 16 trở đi: thuế quan áp dụng cho các sản phẩm này được loại bỏ, Nhật Bản sẽ không được tiếp tục áp dụng các biện pháp tự vệ này.

So sánh CPTPP với AJCEP và VJEPA

Trước CPTPP, Việt Nam và Nhật Bản đã có hai FTA chung là FTA ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA).

VJEPA là FTA song phương, lại được đàm phán và có hiệu lực sau AJCEP, do đó có mức cam kết về thuế quan cho cao hơn trong AJCEP, VJEPA có hiệu lực từ năm 2009, trong đó sản phẩm gỗ có cam kết cụ thể như sau:

Đối với các sản phẩm thuộc Chương 44: Một số sản phẩm được xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, còn phần lớn sản phẩm còn lại có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 8 hoặc 11 năm. Một số ít sản phẩm không có cam kết cắt giảm thuế (giữ nguyên mức thuế cơ sở quy định trong Hiệp định) – đây cũng là các sản phẩm có lộ trình xoá bỏ thuế dài nhất (16 năm) trong CPTPP.

Đối với các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ thuộc Chương 94: toàn bộ sản phẩm này được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tức là từ năm 2009.

Như vậy, theo VJEPA, đa số dòng thuế đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ được Nhật Bản xóa bỏ với lộ trình muộn nhất là đến năm 2020, ngoại trừ các sản phẩm không cắt giảm thuế.

Trong khi đó, CPTPP có hiệu lực từ năm 2018 và đa số dòng thuế và sản phẩm gỗ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, tất cả dòng thuế gỗ và sản phẩm gỗ đều được cam kết xóa bỏ (ngay hoặc theo lộ trình).

Do đó, CPTPP sẽ mang lại lợi thế về thuế quan đối với các sản phẩm có lộ trình cắt giảm dài (11 năm) trong VJEPA mà được xóa bỏ thuế quan ngay trong CPTPP; và các sản phẩm không có cam kết cắt giảm thuế trong VJEPA mà được cam kết xóa bỏ thuế trong CPTPP.
Nguồn: VietnamExport.com