Việt Nam:
Sau năm 2021 đặc biệt khó khăn vì dịch bệnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế và tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. 
Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, trong khi áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. 
Những tác động từ bên ngoài và các vấn đề trong nội tại nền kinh tế khiến đang thách thức quá trình phục hồi, đặc biệt khi các chuỗi cung ứng hàng hóa và lĩnh vực logistics trên toàn cầu vẫn có nguy cơ gián đoạn bất kỳ lúc nào, không chỉ do dịch bệnh mà còn do thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề...
Trong bối cảnh đó, việc kịp thời xác định định hướng và ban hành các chính sách nhằm ổn định và phát triển hệ sinh thái logistics tại Việt Nam, phù hợp với xu hướng vận động chung của thị trường thế giới và các yêu cầu phát triển trong nước có ý nghĩa rất quan trọng cho việc hoàn thành các kế hoạch trong năm 2022, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực logistics và của từng doanh nghiệp. 
Do đó, ngay trong Nghị quyết đầu tiên của năm, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", trong đó có một số nội dung quan trọng liên quan đến hệ sinh thái logistics. Tiêu biểu như nhiệm vụ “Khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hóa mô hình phân phối hiện đại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, logistics; đẩy mạnh phân phối qua thương mại điện tử, phương thức thanh toán thông minh, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc, bảo đảm hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh. Chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kho bãi, bố trí địa điểm tập kết hàng hóa, phương tiện khu vực cửa khẩu biên giới”.
Từ đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới, trong đó có xuất khẩu nông sản, trái cây.
Ngày 17/01/2022, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai ban hành phương án về việc thiết lập "vùng xanh" không Covid-19 phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành).
Quốc tế: 
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, IMO đã duy trì triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khác nhau trên toàn cầu trong Chương trình Hợp tác Kỹ thuật tích hợp (ITCP) và các dự án dài hạn theo chủ đề, dành cho các nước đang phát triển. 
 Theo Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, nước này đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh thông qua cơ chế "Ủy ban Nhà nước về ngăn ngừa và kiểm soát Covid-19", do đó Trung Quốc chưa sẵn sàng nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. 
Theo số liệu sơ bộ của Chính phủ Ấn Độ, nước này chiếm gần một nửa lượng gạo xuất khẩu toàn cầu vào năm 2021 khi xuất khẩu tăng 45% từ năm 2020 lên mức kỷ lục 21,4 triệu tấn, nhiều hơn tổng xuất khẩu của ba nước tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Sản lượng gạo của Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục và giá cả vẫn cạnh tranh, nhưng các nút thắt về logistics đang hạn chế xuất khẩu. Do đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã yêu cầu Bộ Thương mại và Công nghiệp hỗ trợ họ bằng cách tăng khả năng cung cấp toa xe đường sắt.

MỤC LỤC 
TÓM TẮT 
1 TRONG NƯỚC

1.1. Các chính sách về logistics nói chung
1.2. Hạ tầng phục vụ logistics
1.2.1. Quy định mới về hạ tầng đường thủy:
1.2.2. Sẽ khởi công nhiều dự án nâng cấp đường sắt Bắc-Nam trong năm 2022
1.2.3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
1.2.4. Ưu tiên gần 8000 tỷ đồng đầu tư dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
1.3. Một số chính sách về vận tải
1.3.1. Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải hết hiệu lực
1.3.2. Vận tải đường thủy
1.3.3. Vận tải hàng không
1.4. Các chính sách liên quan khác
2 NGOÀI NƯỚC
2.1. Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) hỗ trợ các nước đang phát triển cùng vượt qua đại dịch
2.2. Trung Quốc chưa nhất trí nối lại các chuyến bay quốc tế với Việt Nam
2.3. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ yêu cầu Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu bằng đường sắt
2.4. Kiểm tra các loại bao bì bằng gỗ trong các lô hàng nhập khẩu trong năm 2022 tại Na Uy